Hứa với một cô em gái từ cách đây rất lâu về việc làm bánh cuộn mà mãi đến bây giờ mới làm được. Hi vọng là em sẽ thấy hài lòng với công thức này. khác hẳn với công thức làm bánh gato, bánh bông lan cơ bản - bánh bông lan cuộn được làm mềm hơn và có độ dai hơn.
Có nhiều công thức bánh cuộn khác nhau, phổ biến nhất có lẽ là hai công thức: Plain Sponge và phiên bản có bơ là Genoise hoặc công thức Chiffon cải biên kiểu Ga-tô Hồng Kông. Hai công thức đều ngon nhưng bánh sẽ hơi khác nhau một chút, Genoise có phần xốp và đặc hơn, ăn cảm giác “chắc” hơn, trong khi Chiffon hay Ga-tô HK sẽ mềm nhẹ hơn.
Bánh cuộn đầu tay cuả mình thì dùng cốt Ga-tô Nhật Bản – công thức đã được rất nhiều chị em nhiệt liệt hưởng ứng :) Thật ra đây cũng là một dạng Chiffon, nhưng trong thành phần nguyên liệu và cách làm đều có cải biên đi ít nhiều, chẳng hạn như là lượng bột ít hơn, tỉ lệ bột ngô nhiều hơn, trộn bột với hỗn hợp chất lỏng nóng ấm, mục đích cuối cùng là để làm cho bánh mềm và nhẹ hơn. Bánh có độ đàn hồi khá tốt nên mình cuộn nguội hoàn toàn cũng thấy không có vấn đề gì, không bị nứt hay vỡ. Mỗi tội là làm lần đầu tiên, lại còn làm ẩu nữa nên bánh cuộn hơi bị… không đẹp, trét kem cũng xấu mà cắt lát cũng xấu :D Tuy là không tốt nước sơn nhưng may quá, phần “gỗ” lại rất tốt. Bánh rất ngon và có vẻ ngon hơn hẳn sau khi để tủ lạnh vài tiếng hoặc qua đêm.
Phần cốt bánh là ga-tô Nhật Bản, gần như không có gì thay đổi nên mình copy lại công thức cũ cho các bạn tiện theo dõi, bổ sung thêm một chút về phần khuôn & cuộn bánh thôi. Ah, bánh trong ảnh là mình dùng công thức 3 trứng cho khuôn vuông 20 x 20cm. Sau đấy có 1 lần khác làm lại thì mình dùng công thức 4 trứng cho khay cỡ 25 x 35 cm. Cả hai đều ngon lành.
Nguyên liệu
* Công thức 3 trứng (khuôn vuông 20 x 20cm)
20gram bột mỳ đa dụng (all-purpose flour)
20gram bột ngô (corn starch)
10gram bơ nhạt (unsalted butter)
20gram dầu ăn (dùng dầu thực vật TRỪ dầu Olive)
30gram sữa tươi không đường
3 quả trứng gà (50gram/quả) tách riêng lòng đỏ và trắng
60gram đường
3ml (1/2 teaspoon) vanilla extract (vani dạng lỏng)
1/4 teaspoon cream of tartar (hoặc thay bằng 1/4 teaspoon nước cốt chanh, nhưng
dùng cream of tartar thì tốt hơn)
1 gram muối
* Công thức 4 trứng (khay 25 x 35cm)
25gram bột mỳ đa dụng
25gram bột ngô
15gram bơ nhạt
25gram dầu ăn (dùng dầu thực vật TRỪ dầu Olive)
40gr sữa tươi
4 trứng gà (50gram/quả) tách riêng lòng đỏ và trắng
80gram đường
5ml (1 teaspoon) vanilla extract (vani dạng lỏng)
1/2 teaspoon cream of tartar (hoặc thay bằng 1/2 teaspoon nước cốt chanh, nhưng dùng cream of tartar thì tốt hơn)
2gram muối
Ghi chú: bánh cuộn thường có thêm phần nhân ngọt nên lượng đường trong công thức các bạn có thể bớt đi khoảng 10gram, tùy khẩu vị nhé.
Cách làm
1. Vặn lò 170 độ C (hoặc 160 độ C nếu dùng khuôn sẫm màu). Lót một miếng giấy nướng bánh hoặc giấy trắng (loại giấy viết như giấy A4) xuống đáy khuôn, không chống dính thành khuôn.
2. Rây bột mỳ và bột ngô vào bát, dùng phới lồng đánh trứng cầm tay trộn đều. Dùng nĩa đánh tan nhẹ lòng đỏ trứng và vanilla.
3. Đun sôi ít nước trong nồi. Cho sữa, bơ và dầu ăn vào âu. Đợi nước sôi thì đặt âu lên miệng nồi (lưu ý: đáy âu không chạm nước), dùng thìa hoặc phới lồng đánh trứng quấy đều đến khi bơ tan, hỗn hợp hòa quyện và ấm nóng (khoảng 40-50 độ C) (hình 1-2)
4. Rây bột vào âu bơ, nhanh tay trộn đều. Cho lòng đỏ trứng & vanilla vào, trộn đều để có một hỗn hợp mịn và mượt (hình 3-6)
5. Dùng một chiếc âu khác để đánh lòng trắng trứng. Để máy ở tốc độ thấp, đánh lòng trắng khoảng 40-50giây, đến khi các bọt khí lớn bắt đầu xuất hiện. Cho muối và cream of tartar vào, tăng dần tốc độ máy lên mức gần cao nhất. Đánh đến khi các bọt khí nhỏ dần, trông gần giống như bọt xà phòng giặt hay bọt cạo râu thì từ từ cho đường vào (cho từng chút một, sẽ mất khoảng 30-40giây để cho hết chỗ đường, trong lúc cho đường vẫn giữ máy chạy ở tốc độ cao). Lòng trắng sẽ bông và đặc dần, đạt chóp mềm (soft peak như trong hình 8). Tiếp tục đánh lòng trắng trứng đến khi bông cứng (stiff-peak) (hình 9-10).
Ghi chú:
– Lòng trắng trứng ở nhiệt độ phòng, không dính tạp chất, đặc biệt là các chất béo như bơ, dầu, mỡ, lòng đỏ.
– Âu đánh và que đánh phải sạch và khô, không dính chất béo như bơ, dầu mỡ, lòng đỏ..
– Với công thức này nhất định phải đánh lòng trắng trứng đạt đến “stiff-peak” (bông cứng). Khi đạt đến stiff peak thì lòng trắng sẽ rất bông và “cứng”, đánh cảm giác nặng tay (nếu dùng máy đánh trứng cầm tay hoặc đánh bằng phới lồng cầm tay). Nhìn bên ngoài thấy lòng trắng bóng mịn và cảm giác lòng trắng dẻo. Nhấc que lên thấy trứng dính trên đầu que, hoàn toàn không rung rinh hay lay chuyển gì (phần chóp nhọn cũng thẳng đứng và không oặt xuống). Nếu lấy thìa xúc thử sẽ thấy lòng trắng đóng thành miếng như trong hình 11-12. Lòng trắng đánh đến đây là vừa chuẩn, không nên đánh lâu hơn nữa vì có thể sẽ làm cho lòng trắng bị “khô”, hiện tượng là lòng trắng không còn bóng mịn mà lồng phồng và rời rạc giống bọt xà phòng giặt.
6. Lấy 1/3 chỗ lòng trắng trứng cho vào âu bơ & lòng đỏ ở (4). Quấy đều, thoải mái (hình 13). Mục đích của bước này là làm cho hỗn hợp bơ & lòng đỏ loãng hơn, để về sau trộn với lòng trắng dễ hơn nên cả nhà cứ quấy thoải mái, không phải rón rén gì cả.
7. Chia chỗ lòng trắng còn lại thành 2 phần, lần lượt cho vào âu. Dùng kỹ thuật fold trộn đều sau mỗi lần thêm lòng trắng, hỗn hợp bột cuối cùng sẽ mịn & mượt (hình 14-15).
Ghi chú:
– Khi trộn các hỗn hợp nhẹ & nhiều bọt khí như lòng trắng trứng đánh bông, luôn trộn theo cách đảo & xúc từ dưới lên, để bột từ dưới phủ lên trên lòng trắng, không quấy vì dễ làm xẹp hoặc vỡ quá nhiều bọt khí, bánh sẽ nở kém.
– Trộn nhẹ tay, dứt khoát và theo một chiều – không đảo xuôi ngược lung tung nhé.
8. Đổ bột vào khuôn. Vỗ nhẹ hoặc gõ nhẹ khuôn xuống bàn cho mặt bột được dàn phẳng và các bọt khí to vỡ bớt (hình 16).
9. Đặt khay nướng sao cho khuôn ở chính giữa lò nướng (mình đặt thấp hơn khe chính giữa 1 nấc). Nướng ở nhiệt độ quy định (hai lửa, cả trên & dưới) trong khoảng 20-30 phút hoặc đến khi bánh chín vàng mặt, ấn nhẹ lên mặt bánh thấy lập tức phồng trở lại.
Bánh chín lấy ra khỏi lò và lập tức dùng dao mỏng rạch quanh thành trong của khuôn, đặt rack lên mặt khuôn rồi úp ngược để lấy bánh ra. Bánh rất nhẹ nên khi lấy cả nhà nhẹ tay thôi nhé :). Bóc bỏ lớp giấy lót dính ở đáy bánh.
So với ga-tô NB cơ bản thì bánh cuộn có độ cao thấp hơn nên khả năng xẹp và lõm đáy, thắt eo cũng ít hơn, nhưng không phải là không có. Nếu bánh của bạn không nở được, bị chai cứng, mặt bánh cháy hoặc nở tưng bừng trong khi đáy chưa chín… thì các bạn xem lại bài về Ga-tô Nhật Bản của mình nhé, ở cuối bài có một số nguyên nhân & cách khắc phục cho các vấn đề thường gặp.
Cuộn bánh lần 1:
Thông thường các loại bánh cuộn sẽ được cuộn riêng trước để giữ form rồi mới trét nhân và cuộn lại với nhân kèm theo. Bánh này hoàn toàn có thể cuộn nguội nhưng sau khi làm lại thì mình thấy cuộn khi bánh còn ấm nóng sẽ đẹp hơn rất nhiều. Sau khi lấy bánh ra khỏi khuôn, các bạn để bánh trên rack (rack được kê cao), để hơi nước thoát bớt, tầm 1-3 phút gì đấy. Đợi bánh bớt bỏng, khi sờ vào thấy ấm nóng nhưng có thể cầm được thì cuộn.
Cách cuộn là chuẩn bị một tờ giấy nến (giấy nướng bánh), có kích thước rộng hơn bánh (mỗi mép giấy rộng hơn khoảng 1-2cm). Đặt bánh lên giấy và nhẹ nhàng cuộn lại, cũng không cần phải cuộn quá chặt tay. Để bánh cho nguội. Các bạn cũng có thể dùng khăn sạch để cuộn bánh như trong hình dưới.
Cuộn bánh lần 2:
Sau khi bánh đã nguội thì mình mở bánh ra, lúc này bánh sẽ hơi “quăn” lại, nhờ việc cuộn lần 1 tạo nếp. Bước cuối cùng là trét nhân lên phần mặt trong của cuộn bánh, rồi cuộn lại, vậy là xong :) Nếu dùng (nhiều) kem tươi thì các bạn nên chừa mép cuối của bánh khoảng 1-2cm, khi mình cuộn, kem sẽ được dồn & đẩy dần ra là vừa.
Phần nhân thì lần này mình dùng kem tươi đánh bông, trên mặt rắc vụn dừa trộn với bột trà xanh, cụ thể là 150ml kem tươi loại hàm lượng béo cao (heavy cream), đánh bông với khoảng 15gram đường (các bạn có thể thay đổi lượng đường, tùy theo khẩu vị). Cách đánh bông kem tươi & một số lưu ý các bạn có thể xem thêm tại ĐÂY. Sau khi trét kem lên bánh thì mình trộn ít dừa sấy khô với bột trà xanh, rắc lên kem rồi cuộn lại. Ăn thơm và mát lắm :) Nếu các bạn ngại dùng kem tươi thì có thể thay bằng các loại syrup, mứt hoa quả, chocolate sauce… Nhìn chung là phần nhân này không cố định, các bạn có thể thay đổi thoải mái tùy theo sở thích nhé.
Chúc các bạn thành công với công thức làm Bánh cuộn kem tươi dừa & trà xanh
Nguồn: savourydays